Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.

Sự biến đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thế giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn Địa Cầu. Trong những năm gần đây, đặc biệt trong ngữ cảnh chính sách môi trường, biến đổi khí hậu thường đề cập tới sự thay đổi khí hậu hiện nay, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Sự thay đổi mực nước biển toàn cầu trong nhiều thế kỷ qua đã được ước tính bằng cách sử dụng các máy đo thủy triều, các số liệu đo được đối chiếu trong thời gian dài để đưa ra một mực nước trung bình dài hạn. Gần đây hơn, máy đo độ cao – kết hợp với sự định vị chính xác của các quỹ đạo vệ tinh – đã cung cấp một phương pháp đo sự thay đổi mực nước biển toàn cầu cải thiện hơn.Trước khi các công cụ đo lường máy móc được đưa vào sử dụng, các nhà khoa học đã xác định độ cao mực nước biển thông qua các dấu vết trên những rặng san hô, những lớp trầm tích ven biển, trên thềm biển, hạt trong đá vôi và những di tích khảo cổ còn sót lại gần bờ biển. Các phương pháp định tuổi có nhiều ưu điểm là phương pháp urani và cacbon phóng xạ, còn phương pháp định tuổi hạt nhân vũ trụ đôi khi được áp dụng để xác định tuổi các bề mặt (thềm) đã trải qua sự giảm mực nước biển.

Thế giới đối mặt với nguy cơ thảm họa hai lần

Ông Bernard O’Callaghan, Điều phối viên chương trình của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới cho biết bản báo cáo nhan đề “Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách”,

cho thấy những thách thức về khí hậu trong thế kỷ 21 đặt thế giới trước nguy cơ thảm họa hai lần. Đó là nguy cơ trước mắt đối với phát triển con người và những thảm họa sinh thái đe dọa hành tinh.

Biến đối khí hậu còn làm cho các hệ thống nông nghiệp bị phá vỡ do ngày càng phải hứng chịu hạn hán, nhiệt độ tăng và lượng mưa càng càng thất thường. Điều này khiến thêm 600 triệu người nữa sẽ phải đối mặt với nạn suy dinh dưỡng.

Các khu vực nửa khô hạn ở châu Phi cận Sahara, với tỉ lệ nghèo đói vào loại cao nhất thế giới, sẽ phải đối mặt với nguy cơ năng suất sụt giảm tới 26% vào năm 2060.

Báo cáo cũng dự đoán sẽ có thêm 1,8 tỷ người phải đối mặt với sự khan hiếm nước tính đến năm 2080, trong đó các khu vực rộng lớn ở Nam Á và miền Bắc Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh thái hết sức nghiêm trọng do mất dần các dòng sông băng và thay đổi về lượng mưa.

Ảnh minh họa 

Cùng với đó 332 triệu người sống ở các khu vực ven biển và đất trũng sẽ bị mất nhà ở do lũ lụt hoặc các cơn bão nhiệt đới. Biến đổi khí hậu cũng làm nảy sinh các nguy cơ đối với sức khỏe, khiến thêm 400 triệu người phải đối mặt với nguy cơ bị sốt rét.

“Biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa tới toàn thể nhân loại. Nhưng những người nghèo, một bộ phận không hề chịu trách nhiệm về món nợ sinh thái mà chúng ta đang mắc phải lại là những người đang phải đối mặt với những thiệt hại sớm nhất và nghiêm trọng nhất về phát triển con người” – Ông Kernal Dervis, Giám đốc UNDP nói.

Về công tác giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, các tác giả bản báo cáo kêu gọi các nước phát triển thể hiện vai trò đi đầu bằng cách tới năm 2050 cắt giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 80% và đến năm 2020 ít nhất 30% so với mức của năm 1990.

Bản báo cáo cũng khuyến nghị thực hiện kết hợp các biện pháp như đánh thuế carbon, các chương trình mua bán phát thải chặt chẽ hơn, có các giải pháp về quản lý và điều tiết năng lượng…

22 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa

Cũng theo ông O’Callaghan, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những thiệt hại lớn cả về tài sản và môi trường. Một số mô hình dự báo biến đổi khí hậu cho thấy khi nhiêt độ tăng 3- 4 độ C, số người phải chịu ngập lụt ở vùng duyên hải là 134 – 332 triệu người.

Hoạt động của bão nhiệt đới gia tăng cũng có thể làm tăng số người bị tác động lên 371 triệu người vào cuối thế kỷ 21. Theo đó, khi mực nước biển dâng cao thêm 1 m, ở vùng thấp thuộc Ai Cập, 6 triệu người có thể mất nhà cửa và ngập lụt 4.500 km2 đất canh tác.

Riêng ở Việt Nam, nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP. Lũ lụt và bão tố mạnh hơn cũng có thể làm chậm những tiến bộ trong phát triển con người ở những vùng dân cư chính yếu, kể cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo cũng cho thấy, biến đổi khí hậu gây đe dọa với Việt Nam ở nhiều cấp.Lượng mưa dự kiến sẽ gia tăng và Việt Nam sẽ đối mặt với những trận bão nhiệt đới mạnh hơn. Mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao 33 cm vào năm 2050 và 1 m vào năm 2100.

“Với ĐBSCL thấp trũng, đây là một dự báo rất ảm đạm. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 45% diện tích đất của khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn cực độ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Năng suất lúa dự báo sẽ giảm 9%. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn ĐBSCL sẽ hoàn toàn ngập trắng nhiều thời gian dài trong năm”- Ông Bernard O’Callaghan cho biết.

Biến đổi khí hậu cũng làm một diện tích rộng lớn của đồng bằng sông Mê Công, sông Hồng và ven biển miền Trung bị ngập lụt do nước biển dâng. Nước biển dâng cũng ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP.HCM, Vũng Tàu và Nam Định.

Về khí hậu, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1 độ C / thập kỷ.Trong một số tháng mùa hè, nhiệt độ tăng khoảng 0,1 – 0,3 độ C / thập kỷ.Mưa lớn thường xuyên hơn.

Báo cáo cũng cho biết sự biến đổi này còn gây những tác động lớn đối với phát triển con người ở ĐBSCL.Theo đó, dù mức đói nghèo đã và đang giảm nhưng hiện vẫn còn 4 triệu người đói nghèo ở ĐBSCL. Đối với nhóm này, sự sụt giảm nhỏ về thu nhập hay mất cơ hội việc làm do lũ lụt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với dinh dưỡng, sức khỏe và giáo dục.

Trong đó người nghèo sẽ phải chịu nguy cơ gấp đôi.Khả năng những người này sinh sống ở những vùng dễ ngập lụt là cao hơn, song khả năng sống trong những ngôi nhà kiên cố, vững chắc thì thấp hơn.

Bài viết của Quang Trí, Trang tin Biến đổi khí hậu, Báo Phát thanh và Truyền hình thông tin điện tử – EINFO.