Theo các sử liệu, một số năm Kỷ Hợi có các sự kiện quan trọng liên quan đến biên giới, biển, hải đảo và công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Chuyên mục Tuyên giáo xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Bến Nhà Rồng xưa, nơi vào năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral Latouche Tréville tìm đường cứu nước. Ảnh:  Tư liệu

Năm Kỷ Hợi 759: Quân Chà Và từ biển vào cướp phá Ái Châu (Thanh Hóa, Ninh Bình ngày nay), bị Kinh lược sứ nhà Đường Trương Bá Nghi tiêu diệt. Năm 797, quân Chà Và lại từ biển cướp phá Ái Châu, xây cả thành, lập nước, nhưng bị quan cai trị là Trương Châu đánh đuổi, san phẳng thành trì.

Năm Kỷ Hợi 939: Sau chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử năm 938, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), mở đầu thời kỳ độc lập và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Năm Kỷ Hợi 1299: Một sứ bộ của ta sang Nguyên, do Đặng Nhữ Lâm dẫn đầu đã bí mật làm một số việc rất quan trọng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Nhà vua sai Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên, bí mật làm những việc sau này: Vẽ đồ bản cung điện và vườn tược; Đem riêng trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm; Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương”.

Cũng năm này, khi vua Trần Anh Tông đủ trưởng thành, vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu, trên núi Yên Tử (Quảng Ninh). Theo sách Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm thì Yên Tử sơn là nơi có một vị trí quân sự quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc. Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến đây tu hành là để làm nhiệm vụ của một người “lính biên phòng”.

Sách trên có đoạn viết: “Mọi người thấy đức Điều Ngự là Tổ thứ nhất khi ra ở chùa Hoa Yên (tức chùa Yên Tử) thì cho là ngài xuất gia, nhưng có biết đâu đương lúc bấy giờ đức Tổ ta biết lấy thiên hạ làm của công… Xét thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía Đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng; phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang, nên mới dựng tự viện, thường qua lại xem chuyện động tĩnh, khiến cho quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại…”.

Năm Kỷ Hợi 1719: Từ năm 1719 đến năm 1786, Pierre Poivre, một giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp, đã nhiều lần qua lại quần đảo Hoàng Sa và sau này ghi lại trong tác phẩm Mô tả xứ Đàng Trong 1749: “…Tôi nghe nói hàng năm nhà vua (chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình…”.

Năm Kỷ Hợi 1839: Vua Minh Mệnh đã dự đoán chính xác một đợt mưa lụt lớn diễn ra tại Kinh đô Huế. Lúc bấy giờ, Vua ra coi chầu, nói với Kinh doãn là Phạm Thế Trung: Ngạn ngữ nói “Trời sắp mưa lụt, cứ nghiệm các giống chim trở về núi thì biết”. Xét ra mưa lụt thì sóng biển nổi lên ầm ì, hơi nước bốc lên tanh hôi, các chim đều kiếm ăn ở bờ biển, cho nên tránh về núi… Trẫm đoán mùa thu này mưa lụt có thể vào trước sau ngày 24, 25…”. Quả nhiên, mấy hôm sau thì có mưa.

Vua Minh Mệnh cũng rất quan tâm đến tàu thuyền của phương Tây. Sách Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi lại: Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước Sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đường vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lâu, vì cố tâu không thật đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau, ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Tháng 10, lại chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Ngài truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn” .

Thậm chí vua Minh Mệnh còn ra lệnh tham khảo các tài liệu phương Tây để soạn sách dạy thủy chiến, bản đồ thủy chiến sau đó cho quân lính thao diễn, luyện tập. Nhà vua còn truyền bảo với Binh bộ thượng thư Trương Đăng Quế rằng: “Trẫm muốn các ngươi trù tính kỹ càng, làm thành quyển sách thủy chiến, giao cho quân lính ngày đêm học tập, đó mới là cách phòng bị trước khi có việc”.

Vua Minh Mệnh còn căn dặn: “Bờ cõi nước ta, chạy dài ven biển, phái quân đi tuần bể, có nhiều đường ngách, hoặc phải bỏ thuyền mà đánh trên bộ, hoặc phải dời dinh mà vây dưới nước. Như thế thời bộ binh cần phải biết cách đánh dưới nước, thủy binh cũng cần phải biết cách đánh trên bộ, cần dụ các viên Thống quản ở kinh sức cho quân lính dưới quyền, cố gắng diễn tập sao cho hết thảy đều tinh, nên người quân mạnh”.

Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm 1839, vua Minh Mệnh cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương Nam.

Tàu vận tải trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Năm Kỷ Hợi 1899: Lúc này nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ và công cuộc khai thác thuộc địa được đẩy mạnh. Vào năm này, Toàn quyền Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng việc này không thành vì lý do tài chính. Mặc dù vậy, đến cuối năm, Công ty Vận tải đường biển của Pháp xây cất bến tàu tại Sở Canh Tân tàu biển (tức khu vực Bến Nhà Rồng sau này) để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ 8m, chỉ vừa đủ cho tàu ra vào.

Năm Kỷ Hợi 1959: Ngày 19-5, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập. Ngày đầu, lực lượng nòng cốt gồm có 2 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 301 và Tiểu đoàn 603. Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Tiểu đoàn 603 do đồng chí Hà Văn Xá làm Tiểu đoàn trưởng; Thượng úy Lưu Đức làm Chính trị viên. Tiểu đoàn đóng quân ở xã Thạch Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, bên bờ sông Gianh. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

Cuối năm 1959, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến vượt biển đầu tiên đã hoàn tất. Đây là bước đi đầu tiên để làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển, có hai nghìn lần tàu thuyền vượt biển, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.

Bài viết của Nguyễn Văn Toàn, Báo Biên phòng (http://www.bienphong.com.vn).