Xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng được Đại hội XII bổ sung và khẳng định. Nó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng. Làm cho mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên sáng rõ, hài hòa và bền vững, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đường lối đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục được khẳng định. Trong đó quan điểm “phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần”(1) được định hình vào từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực và từng mặt của đời sống xã hội. Nếu như các kỳ Đại hội trước xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức” thì Đại hội XII đưa “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Quan điểm “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(2) là điểm nhấn định hướng mục tiêu công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của cách mạng. Bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng là vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

1. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc. Đảng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Mưu cầu “tự do, ấm no, hạnh phúc” cho nhân dân không chỉ là lý tưởng chính trị mà còn là chuẩn mực đạo đức cao nhất trước hết cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhờ có lý tưởng đạo đức cao đẹp ấy mà Đảng tập hợp đoàn kết được quần chúng nhân dân lao động thành khối thống nhất ý chí và hành động đánh đuổi bọn cướp nước và lũ bán nước giành lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Cũng bởi lý tưởng đạo đức cao đẹp ấy mà bao hành động dũng cảm, bao anh hùng kiên trung bất khuất đã ngã xuống cho đọc lập, tự do ngày hôm nay. Và trong những thời khắc ngặt nghèo của lịch sử Đảng ta thẳng thắn tự nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đặt lợi ích của quần chúng nhân dân, đặt vận mệnh của dân tộc lên trên mà tự đổi mới, mà tự chỉnh đốn quyết tâm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đưa đất nước tiến lên giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

2. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng. Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, về sức mạnh của cách mạng và bài học từ thực tiễn cách mạng hơn 85 năm qua Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(3). Hiện nay, những tổn thất khôn lường đối vơi vận mệnh đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng đang hiện hữu bởi tệ tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về chính tri tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch. Lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh nội sinh của cách mạng Việt Nam vì thế cũng bị suy yếu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình tràng trên, trong đó có mặt trái nền kinh tế thị trường và mặt trái của quyền lực khi Đảng cầm quyền. Quyền lực trong tay cá nhân rất dễ bị tha hóa nếu cá nhân ấy không thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy khi Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu đi đầu thì niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững, củng cố và tăng cường; sức mạnh của cách mạng nước ta vì thế mà được khơi nguồn, giữ gìn và phát huy cao nhất. Thực tiễn ấy khẳng định việc xây dựng Đảng về đạo đức là giải pháp cơ bản quan trọng nhất để củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân và đoàn kết quốc tế trực tiếp xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng nước ta.

Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng được Đại hội XII bổ sung và khẳng định. Nó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng. Mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên sáng rõ, hài hòa và bền vững, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Vấn đề là nội dung, biện pháp thực hiện như thế nào thì cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ để nhanh chóng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trước hết theo chúng tôi cần quan tâm một số vấn đề.

Thứ nhất, xây dựng Đảng về đạo đức ở đây là kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng với lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cùng với xây dựng lý tưởng và chuẩn mực thì cái cấp thiết hơn là đòi hỏi trong Đảng là đạo đức hành động, hướng tới nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng trong niềm tin cậy và sự mong đợi của nhân dân. Thực tế ở đâu tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hành động theo phương châm cái gì có lợi cho dân hết sức làm, cái gì có hại cho dân hết sức tránh thì ở đó tổ chức đảng mạnh, phong trào quần chúng lên cao. Nhưng ở đâu chủ trương, nghị quyết một đằng, tổ chức thực hiện một nẻo, nói hay làm dở thì ở đó tổ chức đảng yếu kém, tình trạng tham nhũng, lãng phí và suy thoái về đạo đức lối sống hoành hành, niềm tin của nhân dân với tổ chức đảng bị sói mòn.

Thứ hai, xây dựng Đảng về đạo đức bắt đầu bằng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Bởi Đảng không phải là một cái gì trừu tượng, mà bao gồm tất cả đảng viên. Lý tưởng của Đảng là lý tưởng của mọi đảng viên, của mỗi đảng viên. Xây dựng Đảng về đạo đức là giáo dục, rèn luyện mọi đảng viên và mỗi đảng viên về đạo đức. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó được hình thành trong quá trình rèn luyện bền bỉ mà nên như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Đồng thời chú trọng kết hợp giữa giáo dục nhận thức với rèn luyện lập trường quan điểm, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng, hình thành niềm tin khoa học và thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, trong từng tổ chức đảng và trong toàn Đảng.

Thứ ba, xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chính trị của Đảng Cộng sản là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, là lý tưởng đạo đức của Đảng, của cán bộ, đảng viên của Đảng. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị, chuẩn mực đạo đức, mà còn chi phối hành vi đạo đức của mỗi người. Thông qua thực hành đạo đức, thực hành dân chủ, thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với tổ chức đảng và các cán bộ đảng viên để xây dựng Đảng.

Thứ tư, xây dựng Đảng về đạo đức phải được gắn chặt với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Làm cho thực hành đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức sẽ có tác dụng thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Cùng với xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hiện nay, công tác xây dựng Đảng đứng trước khó khăn rất lớn ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng… quyết định tới vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với cách mạng, sự tồn vong của chế độ và vận mệnh của dân tộc. Do đó, việc Đại hội XII đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc, xây dựng sức mạnh nội sinh cho cách mạng nước ta. Muốn vậy mỗi cán bộ, đảng viên của đảng tiếp tục gương mẫu đi đầu trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương cho quần chúng làm theo. Bên cạnh đó nhân dân cũng cần nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với công tác xây dựng Đảng. Tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng là nhân dân đang góp phần xây dựng cuộc sống “ấm no, tự do và hạnh phúc” của mình./.

Bài viết của Lê Đức Thịnh, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chú thích:
(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 2016, tr.17, 202
(3) ĐCSVN Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr 65.