Bài viết này bình luận về 4 nguyên tắc cơ bản của pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước và thực tiễn áp dụng các nguyên tắc đó tại Việt Nam.

Tải toàn văn bài nghiên cứu tại đây.

Pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước được xây dựng và áp dụng dựa trên các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong các điều ước quốc tế và trong hệ thống pháp luật quốc gia, bao gồm: nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nguyên tắc phòng ngừa, nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp, nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững.

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, được viết tắt là PPP (Polluter pays principle) là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nội hàm của nguyên tắc này đòi hỏi người gây ô nhiễm phải chi trả các chi phí phát sinh do vấn đề ô nhiễm môi trường mà họ gây ra, từ đó sẽ tạo ra động lực kinh tế, điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm, làm giảm vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp nhà nước giảm bớt chi phí cho việc giám sát.

Nguyên tắc phòng ngừa

Nguyên tắc phòng ngừa (principle of preventive action) là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật về bảo vệ môi trường, bởi lẽ có những hậu quả môi trường không khắc phục được mà chỉ có thể phòng ngừa. Phòng ngừa được hiểu là việc chủ động ngăn chặn nhằm loại bỏ những nguyên nhân có thể gây ra những rủi ro gây nguy hại đối với môi trường trước khi những rủi ro đó xảy ra. Mục đích của nguyên tắc phòng ngừa là nhằm ngăn ngừa những rủi ro mà con người có thể gây ra cho môi trường, giảm thiểu chi phí được sử dụng để khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững.

Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp

Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp được hiểu là sự hiệu quả trong việc điều chỉnh nhóm các quan hệ xã hội của một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật trong pháp luật về môi trường đòi hỏi các quy phạm pháp luật về môi trường phải có tính khả thi và đạt được hiệu quả cao, hạn chế và giảm thiểu hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như thiệt hại xảy ra do hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững

Nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại không gây nguy hại tới khả năng tự đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững hướng tới việc tập trung những nỗ lực bảo vệ môi trường nhằm cải thiện điều kiện sống của con người. Nguyên tắc phát triển bền vững được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới, được công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, với nội dung như sau: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.

Kết luận

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã xây dựng và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc cơ bản của pháp luật điều chỉnh bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. Mặc dù vậy, vấn đề hiệu lực thi hành của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp để có thể đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Mục tiêu của việc áp dụng các nguyên tắc này trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng nhằm đạt được sự liên kết hữu hiệu giữa các chính sách về bảo vệ môi trường và chính sách phát triển kinh tế. Các nguyên tắc này được xây dựng và ứng dụng lần đầu tiên tại các quốc gia công nghiệp phát triển nhưng chúng có thể đem lại lợi ích các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Bài viết của Khánh Ly, Nguồn: Mạng thông tin bảo vệ môi trường, Trung tâm Công nghệ Thực phẩm và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (https://moitruong.com.vn).