Tuy chỉ mới là dự thảo ban đầu nhưng nguy cơ nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2040, tức sớm hơn 60 năm so với mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris là rất cao. Biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt đến châu Âu vào cuối thế kỷ này nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên như hiện nay.
​Nhiệt độ sẽ vượt giới hạn sớm hơn 60 năm so với dự kiến

Theo dự thảo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ), tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ vượt giới hạn 1,5 độ C đã đặt ra trong thỏa thuận Paris vào năm 2040, tức sớm hơn 60 năm so với dự kiến. Tuy mới chỉ là dự thảo ban đầu chưa được kiểm chứng nhưng nó đã phần nào khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại về nguy cơ, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được tình hình trong ít nhất nửa thế kỷ tới.

Theo Independent, thỏa thuận chung Paris được lập ra hồi cuối năm 2015 được đánh giá là bước ngoặt lịch sử và kế hoạch đầy tham vọng của nhân loại nhằm giảm sự nóng lên toàn cầu. Tổng cộng đã có 195 quốc gia ký kết thỏa thuận và 173 quốc gia cam kết hạn chế khí thải CO2 nhằm ngăn ngừa tình trạng nóng lên của Trái Đất.

Mục tiêu dài hạn của bản thỏa thuận là chung tay giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.

Đề xuất tham vọng là vậy nhưng để thực hiện không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên vì lý do gây tổn hại tới nền kinh tế, trong khi đây là quốc gia chiếm tới 15% lượng khí thải toàn cầu.

Chỉ có một sự thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt chưa từng thấy từ những cường quốc hàng đầu về khí thải như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Braxin, Nhật Bản, mọi chuyện may ra có cơ hội chuyển biến theo chiều hướng tốt.

Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể đẩy mạnh làn sóng di cư tới châu Âu

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science (Khoa học) ngày 21/12/2017 cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa nhiệt độ, việc canh tác và số người xin tị nạn.

Theo đó, các nhà nghiên cứu của Đại Học Columbia, New York đã phân tích số người xin tị nạn tại Liên minh châu Âu (EU) trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014, trung bình là 351.000 người/năm và so sánh số người xin tị nạn với diễn biến thời tiết tại 103 quốc gia của những người xin tị nạn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện số người xin tị nạn có xu hướng tăng khi nhiệt độ tại các khu vực làm nghề nông ở mỗi nước lệch mức 20 độ C – nhiệt độ thích hợp cho cây trồng, trong mùa vụ.

Cụ thể, nhiệt độ cao hơn bình thường sẽ làm tăng lượng người di cư từ những vùng nóng, như Iraq và Pakistan, trong khi làm giảm lượng người di cư từ những vùng lạnh, như Serbia và Peru.

Kết hợp các số liệu này với các dự báo về nhiệt độ trong tương lai, nghiên cứu cho thấy trong một viễn cảnh lạc quan khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng chỉ 1,8 độ C, số người di cư sẽ tăng 28% vào năm 2100, tương đương 98.000 đơn xin tị nạn vào châu Âu mỗi năm.

Trong khi đó, nếu nhiệt độ vẫn duy trì tốc độ tăng như hiện nay, tức là tăng từ 2,6-4,8 độ C vào năm 2100, số đơn tị nạn sẽ tăng thêm 660.000 đơn mỗi năm, tương đương với 188%.

Bài viết của Anh Tuấn (MẠNG THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM – http://moitruong.com.vn).